Bài viết mới

CÁCH DẠY CỦA NGƯỜI XƯA

Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên một cuộc mất cắp xảy ra tại quán trọ. Chú học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta nghi ngờ chú là thủ phạm. Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm chính, chú học trò được trắng án ra về. Khi về làng gặp lại vị thầy dạy học, chú nhỏ tức tưởi kể lại tự sự, bộc lộ nỗi hàm oan của mình. Ông thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh đánh đệ tử 10 roi phạt. 
Chú học trò vô cùng ngạc nhiên nhưng không dám cãi lời thầy, riu ríu leo lên bộ phảng nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.
Các bạn chú thấy thế ngạc nhiên thưa:
 - Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?
Ông thầy từ tốn giải thích:
- Đành rằng nó vô tội. Nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo, chỉ có mình nó bị tình nghi là kẻ cắp? Ta đánh đây là phạt cái tội nó đã có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu nó không chỉnh đốn tư cách lại ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa!
(St: Theo truyện cổ Việt Nam)

Câu tục ngữ “Tiên học Lễ, hậu học Văn” đã được cha ông ta thực hiện rất tốt cách đây gần thế kỷ. Người xưa cực kỳ chú trọng đến cách dạy lễ nghĩa cho con em mình trước khi dạy kiến thức, mà điều đầu tiên là dạy tư cách làm người. Để cho thế hệ đàn em sống sao “cúi không thẹn đất, ngẩng không thẹn trời” mà cổ nhân đã dạy học trò rất nghiêm khắc từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt của học trò mình sao cho nghiêm trang, đứng đắn.. của người chính nhân quân tử.
Có được điều đó phần lớn là do người xưa dạy bằng hành động song song với lời nói.  Chính những tấm gương của người thầy đã nhiếp phục và chuyển hóa được cho học trò mình trở thành những người sống có trách nhiệm, giá trị, đem lại lợi ích cho nhiều người.
Hãy tạo cho các con một môi trường tốt đẹp để phát triển, trong đó lấy tình yêu thương làm dưỡng khí, lấy sự thấu hiểu làm thức ăn, lấy bản thân làm gương để chỉ dạy, con cái chúng ta sẽ phát triển nên người.
Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con khi chúng đến thế giới này, vì vậy chúng ta hãy nỗ lực để trở thành một người thầy có giá trị!

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào